Bình luận thương trường

Phóng sự điều tra, hay… “cải lương” điều tra?

Thời gian qua, một tờ báo gắn danh “Pháp luật” đã chạy một sê-ri bài “đấu tố” công ty Tân Hiệp Phát, gán thương hiệu doanh nghiệp này với rất nhiều thứ “ghê rợn” như “tín dụng đen”, “cho vay nặng lãi”, thậm chí “lừa đảo”…

Loạt bài đó tập trung chủ yếu vào việc bà Đặng Thị Kim Oanh (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Kim Oanh) kể khổ, “tố” bà Trần Uyên Phương (Phó Tổng Giám đốc Tân Hiệp Phát) cho vay rồi siết nợ bằng đất…

Cả loạt bài được viết kiểu “điều tra”, với giọng điệu mang hơi hướng “phóng sự”.
Thực đáng sợ! Tại sao vậy?

Là một người làm báo, tôi thấy cách làm đó thực sự đi ngược lại mọi nguyên tắc cơ bản của nghề báo, mà nói thẳng ra, là nó “đánh đấm” một cách thô thiển và trơ trẽn.

Xuyên suốt sê-ri này, tôi (và chắc chắn tất cả mọi người) đều thấy tờ báo khai thác ý kiến một chiều của bên tố cáo – nhấn mạnh là “bên tố cáo” nhé!

Toàn bộ giọng điệu, lời lẽ… của các bài báo đều giống như lời lẽ của “bên tố cáo” đó. Còn “bên bị tố cáo” thì chẳng được họ ghi nhận lời phản biện lấy một lần nào (???).

Hai bên có khúc mắc trong kinh doanh, đưa đơn tố cáo, thì sẽ có quá trình điều tra và tòa án ra phán quyết. Khi chưa có bất kỳ kết luận nào, mà một tờ báo đã “nhiệt tình” vào cuộc, khai thác từng giọt nước mắt, nước mũi của một bên, để “mắng mỏ”, tấn công bên còn lại, thì đó có được gọi là báo chí?

Không!

Ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, sinh viên học nghề báo đã được học và phải hiểu rằng, thứ đặc trưng lớn nhất của báo chí là “khách quan”. Nhờ thứ đặc trưng này, mà báo chí mới là báo chí, là “quyền lực thứ tư”, đặc biệt hơn tất thảy loại truyền thông khác.

Một khi người làm báo thản nhiên vứt bỏ sự khách quan, thì nghĩa là họ đã không còn là “báo chí” nữa rồi!

Tôi – ở vai trò quan sát – tự hỏi:

* Tờ báo “Pháp luật” kia viết rất nhiều về “Tân Hiệp Phát”, nhưng… chứng cứ mà họ đưa ra lại không có một con dấu “Tân Hiệp Phát” nào, không có một sự cụ thể, chi tiết nào. Điều tra, mà chứng cứ mờ hoặc yếu, thì sao gọi là điều tra?

* Những chi tiết bất nhất tồn tại đầy rẫy, tới mức họ phải xóa bài báo mà dư luận chê cười, nhưng họ thản nhiên không một lời giải thích: Bài trước nói là bà Oanh “dẫn theo đàn con”, cái “đàn con” ấy chụp ảnh bà này “quỳ lạy” bà Phương, bài sau lại nói bức ảnh do… phóng viên báo đó chụp?

Vậy hóa ra “đàn con” là… phóng viên ư?

Còn nhiều, nhiều lắm những chi tiết hồ đồ và buồn cười như vậy! Nó cho thấy, đó chỉ là những bài “điều tra” lỏng lẻo, “hồn nhiên” và thậm chí là ngớ ngẩn!

Thế rồi, tôi lại chợt nhớ có hồi, một cô phóng viên đi đẻ mà vẫn cầm máy ghi âm bên mình để… “thu thập bằng chứng”. Ghê thật! Câu chuyện của tờ báo Pháp luật kia y như vậy. Đầu tháng, bà Oanh gửi đơn tố cáo. Giữa tháng, bà ấy dẫn “đàn con” đi gặp người bị tố cáo để… quỳ, van lạy, xin, trong khi đơn tố cáo thì đã nộp???

Trong buổi ấy, “đàn con” đó ghi âm không sót một từ (tờ báo này còn đếm kỹ là cuộc hội thoại “hơn 3400 từ”), chụp cảnh bà ấy quỳ khi “người bị tố cáo” (là bà Uyên Phương) không hay biết bị chụp ảnh hay ghi âm…

Ơ? Thế là bên tố cáo “diễn cải lương”, chứ gì nữa?

Trong chính bài báo mô tả chi tiết màn quỳ lạy đó, tôi thấy người ta viết, “Tiếng khóc của đàn con òa lên, hòa lẫn với tiếng khóc ai oán của người mẹ.”. Tôi thấy rùng mình! Tôi phải đọc đi, đọc lại vài lượt. Đó là ngôn ngữ “phóng sự điều tra” sao? Đó là báo chí sao? Không, nó chỉ là… “cải lương”, nói theo nghĩa bóng!

Mà “cải lương”, lại còn là “cải lương điều tra” trong báo chí, thì là thứ không thể chấp nhận được! Có lẽ, cũng bởi vì thế, sau “bài báo” này, rất nhiều nhà báo và người hoạt động trong lĩnh vực truyền thông đã phải lên tiếng, bày tỏ sự tức giận.

Họ – những độc giả bên ngoài nhìn vào – tức giận vì thấy những lời lẽ mang danh báo chí ấy đã cố gắng lèo lái, định hướng dư luận một cách trơ trẽn, thô thiển và coi độc giả như “con bò” để dắt mũi! Thật không thể chấp nhận được!

Vậy thì sau tất cả, sẽ… thế nào?

Bản chất vụ việc rất phức tạp, là câu chuyện của những người trong cuộc, của đông đảo luật sư bảo vệ quyền lợi cho hai bên, và chắc chắn sẽ có phán quyết cuối cùng của tòa án.

Trong khi chưa có phán quyết đó, chỉ một bên “gây bão” bằng truyền thông! Đó là vấn đề!

Sự việc phức tạp – đòi hỏi phải tiếp cận đầy đủ hồ sơ gốc để phân định – trong khi loạt bài lại thiên kiến, “một màu”, một chiều, thì chắc chắn độc giả sẽ không hiểu hết. Có lẽ đó cũng là điều mà tác giả của “vở cải lương” hướng đến?

Nghĩa là mục đích cuối cùng chỉ muốn gán cái sắc thái tiêu cực lên thương hiệu và con người mà họ nhắm tới, chứ không cần khai thác đúng bản chất – một công việc mà lẽ ra báo chí phải làm!

Một lần, tôi gặp một bạn trẻ để trao đổi về công việc truyền thông. Khi nghe giới thiệu tôi là “nhà báo”, bạn đó bất ngờ bày tỏ thái độ phản ứng, không thiện cảm.

Tôi thực sự bất ngờ về điều đó!

Sau, lúc đã hiểu nhau hơn, bạn đó nói thật lòng: “Em cứ nghe ‘nhà báo’ là em ghét! Khi hoạt động doanh nghiệp, em đã gặp rất nhiều ‘nhà báo’ không tốt rồi…”.

Tôi chỉ biết thở dài. Quan điểm đó chỉ là của một cá nhân, đương nhiên cũng tiêu cực một cách thiên kiến.
Nhưng buồn thay, nhiều chủ doanh nghiệp hiện nay cũng đang dịch chuyển dần vào nhóm “thiên kiến” ấy.

Và những bài báo gắn mác “điều tra”, “phóng sự điều tra” nhưng lại được thực hiện theo kiểu “cải lương” chính là một phần nguyên nhân dẫn tới xu hướng và quan điểm buồn nói trên về nghề báo.

Một khi đã diễn “cải lương”, thì không bao giờ có thể “điều tra”.
Đó chắc chắn là chân lý!

Tác giả: Trung Hiếu – vietchuyennghiep.vn

Similar Posts

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *