Câu chuyện thương hiệu

Câu chuyện thương hiệu “đắng vị rau bắp cải xào”

Lời tựa của Ban Biên tập:

Dưới đây là một câu chuyện do Nhà sáng lập thương hiệu may mặc đồng phục WeMay Như Ngọc viết.

Lẽ thường, câu chuyện này sẽ được gọi là “câu chuyện khởi nghiệp”. Tuy nhiên, Chuyện thương hiệu – Vietchuyennghiep.vn muốn gọi đúng bản chất là “câu chuyện thương hiệu”.

Bởi vì khi đọc xong, người ta thấy ấn tượng với người đại diện thương hiệu (dù bài viết không nhắc tới “WeMay” – chỉ cần bổ sung một chút nếu định vị đây là câu chuyện thương hiệu).

Là một người viết thông minh và giàu cảm xúc, có năng khiếu, Ngọc có lối kể chuyện tự nhiên, gần gũi, hấp dẫn.

Đó là những yếu tố mà bất kỳ ai làm Content PR, Brand… cũng rất cần!

Chuyện thương hiệu – Vietchuyennghiep.vn

*****

Tôi cứ ngỡ chả có gì có thể làm mình tổn thương, cho tới khi tổn thương thật.

Đó là một cảm giác thật tệ, không để đâu hết tệ.

Khi tôi khởi nghiệp, tôi đã chuẩn bị cho mình viễn cảnh cả thế giới này không một ai ủng hộ. Người ta cũng hay nói, người khởi nghiệp thường cô đơn lắm. Tôi chấp nhận nó như một lẽ thường tình. Bởi khi ta là con số không tròn chĩnh, thì đúng – lấy gì để người khác tin rằng mình có thể thành công.

Những chuỗi ngày khó khăn, vất vả không biết tỏ cùng ai. Một mình vật lộn, nhưng khát khao với con đường mình chọn chưa bao giờ dập tắt. Nó như một ngọn đèn, đôi lúc khát dầu le lói giữa màn đêm rộng thăm thẳm. Đơn độc. Một cảm giác đơn độc được đón nhận. Nhưng nó vẫn cháy. Tôi không sợ gì cả, tôi thấy mình thật mạnh mẽ.

Khi con đường khởi nghiệp của tôi mỗi lúc một rõ ràng hơn. Tôi được nhiều người công nhận. Họ là những người xung quanh, cả những người xa lạ. Nó như một nguồn nhiên liệu dồi dào, cho đèn thắp sáng hơn, cho niềm tin mỗi lúc thêm phần mãnh liệt.

Tôi trở về nhà, lần đầu tôi dám nhìn thẳng bố mẹ tôi, ăn một bữa ăn trọn vẹn. Tôi còn nhớ, bữa ăn đó có gà luộc vàng rộm, cơm nếp lạc, cả mấy khoanh giò,.. ngon lắm. Bố tôi vui, rót mỗi người một ly bia có đá, có cụng ly. Cũng chẳng biết cụng vì lý do gì, nhưng với tôi nó mát lạnh, dội tan những khúc khuỷu trong lòng. Đã rất lâu rồi, cả nhà mới ngồi cùng nhau như thế. Ngày giỗ ngoại.

Mọi thứ sẽ là một kỷ niệm đẹp, cho tới khi nhắc về công việc. Bắt đầu bằng câu chuyện cái H. con ông T. làm công ty nước ngoài, mỗi tháng mang về cho bố mẹ mấy chục triệu. Thằng Tr. con dì D. đi Nhật, Tết rồi mừng tuổi cho bố mẹ, mỗi người hai mươi triệu. Con cái nó phải thế!

Bố tôi cũng muốn né gạt đi, rót thêm bia. Chắc ông cũng thấy sắp có chuyện chẳng lành.

Nhưng, uống bia hôm nay chắc không phải là một lựa chọn hay. Hay có bia hay không, thì vẫn thế.

– Con người ta, bõ công nuôi. Con mình cũng cho ăn cho học, chưa được tích sự gì.

Mẹ tôi, đến lúc rồi. Tôi vẫn gặp lia lịa món cải bắp xào. Cảm thấy vị có chút đăng đắng. Nhưng, ăn vẫn được.

– Bố mẹ đã bảo rồi. Cứ đi làm được rồi. Kinh doanh làm gì, có ra đâu vào đâu đâu. Mày mà làm được, thế cả xã hội nó giàu cả à? Nuôi ăn nuôi học, cãi cha cái mẹ. Tiền không có, làm ngày làm đêm.

Ừ, thì điều đó tôi cũng biết bấy lâu nay. Tôi mong bố mẹ chờ thêm một năm nữa thôi, sẽ khác, chỉ một năm nữa thôi. Không khí bữa ăn trùng xuống, tôi vẫn im lặng, gằm mặt nhìn chăm chăm vào cái bát, vẫn còn đồ ăn, nhưng vẫn gắp, vẫn nhai cái món rau xào đấy.

Thương hiệu WeMay đã lớn lên trong sự nỗ lực, kiên trì kèm với rất nhiều nước mắt đắng cay của nhà sáng lập

– Cãi cha cãi mẹ, nuôi ăn nuôi lớn, có học có hành. Tới khi lớn thì bỏ đi theo trai, kinh mới chả doanh. Không đền đáp cha mẹ được ngày nào. Con cái vô ơn vô nghĩa.

Tôi dừng gắp. Mặt nóng bừng. Không thể nhai thêm được nữa. Miệng đắng quá, đắng không nuốt nổi. Tôi đứng dậy, dắt xe lao ra khỏi nhà. Văng vẳng từ xa, nghe tiếng loảng xoảng bát đũa… “Đấy, cứ hễ nói là nó thế đấy, con cái nuôi ăn nuôi học mất không. Láo!…”

Trời Sài Gòn buổi tối mát trong, tôi muốn khóc quá. Nước mắt đi đâu mất rồi. Chỉ còn lại một cảm giác trĩu nặng, nóng bừng cuống họng, đắng nghét.

Chiếc xe cứ thế bon bon trên đường. Sài Gòn về đêm đèn vốn sáng lấp lánh, nhưng sao phía trước tôi, trời thật tối!

Tác giả: Như Ngọc – Founder & CEO WeMay

Similar Posts

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *