Bình luận thương trường

Vụ “giành khách” của Vietnam Airlines: Đúng hay sai?

Hãng hàng không Vietnam Airlines vừa để xảy ra một sự việc khiến nhiều người quan tâm.

Đương nhiên, thông tin về sự việc đó hiện chỉ có thể đọc qua mạng xã hội Facebook, khi ngay nội dung gốc trên trang thông tin của Vietnam Airlines đã bị gỡ rồi.

Tôi xin tóm tắt sơ lược như sau, dựa vào thông tin mà Facebooker Dương Tiêu chia sẻ: Một đoàn y, bác sĩ gồm khoảng 50 người của một địa phương đã đồng ý di chuyển bằng máy bay của hãng X (chưa rõ).

Khi hay tin đó, một nhân viên của Vietnam Airlines (người được cho là cán bộ Đoàn ở doanh nghiệp này) đã tìm cách thuyết phục để đoàn y, bác sĩ trên thay đổi kế hoạch ban đầu, không dùng dịch vụ của hãng X nữa, mà chuyển sang máy bay của Vietnam Airlines.

Sự việc trở nên “lùm xùm” khi chính bộ phận truyền thông của hãng hàng không quốc gia viết bài “ca ngợi” sự nỗ lực, quyết tâm của nhân viên “giành khách”. Bài “ca ngợi” được viết dưới dạng phóng sự này đã đăng trên trang của Vietnam Airlines.

Nội dung chụp lại bài viết tự “ca ngợi” được cho là đăng trên trang của Vietnam Airlines (và đã bị gỡ)

Phản ứng về nội dung trên, nhiều Facebooker đã tỏ thái độ bức xúc, về hành vi “giành khách” rồi lại “tự hào”, khiến cho hãng bay phải gỡ bài “ca ngợi” ngay sau đó.

Vậy, nếu nhìn vào sự việc đó để phân định đúng – sai, thì Vietnam Airlines liệu có… mắc lỗi?

Theo quan điểm cá nhân của tôi, thì hành động “giành khách” của Vietnam Airlines không sai!

Tại sao? Họ là một doanh nghiệp, hoạt động kinh doanh với mong muốn có lãi. Đương nhiên rồi, doanh nghiệp nào chẳng vậy!

Đã là kinh doanh, thì hẳn nhiên phải có sự cạnh tranh, thậm chí là cạnh tranh rất khốc liệt. Vậy thì việc tìm mọi cách để thu hút, kéo khách hàng về phía mình – dĩ nhiên là những cách thức trong khuôn khổ pháp luật – là một lẽ rất dễ hiểu.

Nếu bảo rằng, cái cách “giành khách” ấy là xấu xí, Vietnam Airlines lợi dụng vị thế, ưu điểm quy mô, dịch vụ của họ để cạnh tranh, thì thật không thỏa đáng!

Bởi khi dựa trên lý lẽ đó, hẳn là Vietnam Airlines sẽ chẳng bao giờ cạnh tranh đúng nghĩa được, khi nhiều đối thủ có quy mô nhỏ hơn họ.

Lại có người sẽ tranh luận là, ừ thì Vietnam Airlines có thể cạnh tranh, thu hút khách khi những vị khách đó đang băn khoăn, chọn lựa dịch vụ. Còn một khi khách đã có kế hoạch chọn hãng rồi, mà nhảy vào “giành”, thì là xấu xí, là không đẹp (về mặt sắc thái, tính chất).

Tôi nghĩ kiểu lý luận đó thật khó đi tới hồi kết, vì ai chẳng hiểu “thương trường là chiến trường”. Nếu chịu áp lực doanh số, biết được một mối hàng mang lại doanh thu cho công ty, mà bỏ đi, thì… có dễ dàng không?

Đặt mình vào vị trí người làm kinh doanh, tôi cho rằng, câu trả lời là “Không”. Thật khó để áp cái “quy chuẩn đạo đức” ấy vào trường hợp này. Bởi trên thương trường, có bao nhiêu thương vụ đã thay đổi phút chót, khi bút chưa kịp đặt xuống ký vào hợp đồng? (Thậm chí, hợp đồng đã ký cũng có thể thay đổi, nên mới phát sinh ra các điều khoản ràng buộc, đền bù… rất cụ thể đó).

Nếu đứng ở ngoài mà nhìn vào, chúng ta có thể chê bai rất dễ. Nhưng đặt mình vào vị trí người trong cuộc, chịu áp lực, câu chuyện sẽ đa chiều hơn.

Chẳng phải nhiều người vẫn nâng lên đặt xuống kết quả kinh doanh của Vietnam Airlines, so với các hãng đối thủ hay sao? Nếu họ không cạnh tranh, làm sao có kết quả?

NHƯNG…

Đặt trong hệ quy chiếu truyền thông doanh nghiệp, thì Vietnam Airlines hoàn toàn sai khi mang sự việc trên ra để viết thành câu chuyện “phóng sự” công khai.

Đó là cái sai về truyền thông, khi những người có trách nhiệm đã thiếu nhạy cảm, kém tinh tế trong trường hợp này.

Nói gì thì nói, Vietnam Airlines luôn được nhắc tên là “hãng hàng không quốc gia”, nên dù cho họ cạnh tranh sòng phẳng, thì việc họ “giành khách” xong tự “ca ngợi” sẽ khiến cho dư luận dễ cảm thấy… gai mắt.

Tầm quốc gia mà, họ làm gì đúng thì là đương nhiên, làm gì sai (giả sử) thì đó là cái sai “không thể chấp nhận”, “khủng khiếp”, “ghê gớm”, dù trên thực tế, mức độ có thể không đến vậy.

Chưa kể, trước đó, hãng hàng không này còn bị nhắc tới với việc xin hỗ trợ nguồn vốn hoạt động, trong cảnh dịch bệnh Covid-19 khó khăn. Thông tin này bị gắn mác là Vietnam Airlines được “ưu ái”…

Trong hoàn cảnh bất lợi đó, mà họ lại mắc một lỗi thiếu nhạy cảm, kém tinh tế, thì rõ ràng là sai. Tất nhiên, xin nhắc lại, đó là cái sai trong việc truyền thông.

Còn về kinh doanh, theo tôi, họ không sai khi đặt quyết tâm cạnh tranh như sự việc vừa nêu.

Nếu họ không tự có ý thức cứu lấy chính mình, không biết giá trị quý báu của từng đơn hàng đạt được, thì đó mới là cái sai chết người trong việc kinh doanh.

Rõ ràng, thứ tư duy “Oanh liệt, lẫy lừng rồi… chết đói” chưa bao giờ được dân kinh doanh đánh giá cao cả!

Tác giả: Trung Hiếu – vietchuyennghiep.vn

Similar Posts

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *