Trong loạt bài điều tra về một công ty “bán hàng qua điện thoại”, với phong cách hô hào “kiểu đa cấp”, buồn thay, người ta lại chứng kiến không ít người trẻ “nửa khôn nửa dại” bước sai đường.
Những đồng nghiệp của tôi ở Báo Dân Việt vừa thực hiện loạt bài điều tra về một công ty bán thực phẩm chức năng.
Trong đó, công ty kinh doanh qua kênh trực tuyến, rồi sử dụng đội ngũ tư vấn viên trao đổi, “bắt bệnh – kê đơn” qua điện thoại, với mục đích cuối cùng là bán được sản phẩm.
Vấn đề ở chỗ: Đội ngũ tư vấn viên hầu hết là người trẻ tuổi (ngoài 20), không hề có chuyên môn về y-dược, nhưng lại được “đóng vai” là những chuyên gia y khoa của các bệnh viện lớn, để tư vấn về vấn đề… sinh sản, hiếm muộn, tìm cách thuyết phục người nghe mua liệu trình thực phẩm chức năng của họ.
Những loại thực phẩm chức năng đó bị thổi phồng tác dụng như “thuốc tiên”, trong khi doanh nghiệp dùng “chiêu” hô hào đầu ngày theo phong cách “đa cấp” để khích lệ nhân viên bán sản phẩm bằng mọi cách, mọi giá!
Thật là… đáng báo động!
Mà điều đáng bạo động nhất, là những người trực tiếp tham gia vào “đường dây” thực hiện hành vi kém đạo đức đó, đa số là người trẻ!
Họ hào hứng hùa theo những lời hô khẩu hiệu quyết tâm bán hàng, hân hoan chia sẻ cho nhau các mánh, mẹo để “chốt đơn”, kê thuốc cho khách bất chấp việc bản thân không biết, không hiểu về tình trạng người bệnh.
Cứ ra đơn, bán nhiều, tức là… thành công, vẻ vang, xứng đáng nhân viên xuất sắc của tuần, của tháng… (?!).
Vậy là, những người trẻ “nửa khôn nửa dại” ấy cứ lầm đường lạc lối như vậy!
Khi đọc loạt bài của đồng nghiệp, tôi – với tư cách là một người làm báo, một người làm nghề đào tạo – cảm thấy đau đáu vô cùng!
Là bởi với đặc thù nghề nghiệp của mình, tôi đã có cơ hội tiếp xúc với rất nhiều bạn trẻ. Tôi được chứng kiến những ánh mắt hào hứng, ham học hỏi của họ, mỗi khi họ gặp gỡ một ai có thể chia sẻ kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm cuộc sống.
Nhưng rồi, chính những ánh mắt sáng bừng đó lại nhanh chóng cụp xuống, hoặc lảng đi chỗ khác, khi họ thấy công việc trước mắt đòi hỏi sự rèn luyện kiên trì, khổ công…
Người trẻ thường là vậy!
Họ có thế mạnh ở sự nhiệt tình, sức sáng tạo cao, nắm bắt công nghệ nhanh nhạy. Nhưng họ lại yếu ở kinh nghiệm sống, ở sự kiên trì, bền bỉ, quyết tâm vượt khó…
Và đó trở thành “gót chân Achilles” của người trẻ – khi sự “nửa khôn nửa dại” của họ bị những doanh nghiệp, tổ chức mang hơi hướng “đa cấp” khai thác, lợi dụng.
“Không cần rèn luyện nhiều, chỉ vài ngày là làm chủ công việc”; “Được đào tạo những kỹ năng quan trọng, cần thiết nhất về giao tiếp, bán hàng, kinh doanh”, “Trở thành CEO tài ba, doanh nhân thành đạt, làm chủ sự nghiệp của mình”… là những lời mời chào có cánh, đánh thẳng vào đặc điểm “nửa khôn nửa dại” của người trẻ, đẩy họ vào bước đường sai lầm.
Hệ quả là có không ít người trẻ đi vào con đường “mánh khóe”, lừa lọc để có tiền. Có những người không đủ nhận thức để thấy rằng, bản thân họ đã bị biến thành công cụ phục vụ những mục đích sai trái…
Khi làm báo, tôi đã gặp những người trẻ như thế. Và lúc tôi hỏi tại sao họ không tâm sự, chia sẻ về dự định công việc cho những người thân vốn từng trải, để hỏi kinh nghiệm, thì họ cúi mặt xuống, hoặc nhìn đi chỗ khác.
Họ bảo, cái thứ bốc đồng tuổi trẻ, cái tôi cá nhân đã ngăn họ làm vậy…
Nhưng tôi nghĩ khác!
Tôi cho rằng, một phần nguyên nhân là do gia đình, người thân của họ vốn đã không tìm được tiếng nói chung với con em mình. Để rồi khi người trẻ bị dắt tay vào con đường tệ hại, chẳng có ai ở cạnh để nhìn nhận, khuyên nhủ họ.
Ở đó, vai trò của những tổ chức xã hội (hội sinh viên, hội tư vấn nghề nghiệp…) cũng bị đặt một dấu hỏi lớn, khi các tổ chức này không có những nội dung chia sẻ đủ tốt, đủ hấp dẫn người trẻ, để giúp họ tránh những “cái bẫy” mang tên “đa cấp lừa đảo”, “dạy kỹ năng hớt váng, kiếm tiền”.
*****
Tôi rất nhớ bài tâm sự của một cô gái trẻ từng làm “nhân viên tư vấn – bán hàng” cho công ty bán thuốc Đông y. Cô ấy kể về quãng thời gian được dạy dỗ “trong chớp mắt”, tư vấn “dọa nạt” về bệnh tật, cốt để “chốt đơn”, bán hàng thật nhiều.
Cho tới khi cô gái ấy mang bầu, rồi lại phải nghe cuộc điện thoại phẫn nộ của một khách hàng từng tin tưởng dùng thuốc, mất tiền mà không có tác dụng gì, thì cô ấy đã quyết tâm thay đổi.
“Mình không tin vào các quy luật cao siêu nào cả, nhưng mình tin ‘luật nhân quả không chừa một ai’. Từ tuần sau, mình lại đi xin việc, nhưng từ hôm nay (nghỉ việc – TG) trở đi, mình thanh thản hơn rất nhiều”.
Cô ấy đã rút ra bài học như vậy, sau quãng thời gian bước lầm.
Còn những người trẻ khác, cho đến khi nào, các em mới thôi… “nửa dại”, để tránh bước sai đường?
Tác giả: Trung Hiếu – vietchuyennghiep.vn