Tuy làm việc cho một tạp chí văn học nhưng chị HMai luôn khiến người đối diện cảm nhận được chất hoang dã, gai góc, “đồng bóng” khác người, chẳng mang vẻ dịu dàng, lãng mạn đặc trưng của văn thơ. Một thời gian ngắn làm cấp dưới của chị, ấn tượng đó cũng sớm hằn sâu trong tâm thức tôi.
Gần đây, chị bắt đầu tập tành kinh doanh. Nhưng điều đó không gây ngạc nhiên bằng sản phẩm chị lựa chọn: túi cỏ bàng – một thứ dường như “quá hiền” với cá tính của HMai.
“Tiệm cỏ của Mai” là cái tên mộc mạc, đơn giản chị đặt cho nick bán hàng online của mình. Cái “mộc” ấy còn nằm ngay trong cách chị quảng cáo sản phẩm. Ảnh đăng lên với những caption nhiều khi không liên quan, lúc thì ngâm thơ, lúc thì là lời tâm sự dài ngoằng, lúc lại chẳng ghi gì cả. Nếu ai hời hợt chắc cũng không hiểu “Tiệm cỏ của Mai” là nick bán hàng hay một dạng blog tâm sự của mấy bà mẹ bỉm sữa yêu màu tím sống nội tâm.
Tôi nhìn qua thấy vài mẫu túi cũng độc đáo bèn nhắn tin hỏi mua. Không ngờ chị chốt đơn rất nhanh gọn: “Chỗ người quen nên chị lấy bé giá gốc. Tặng khuyến mại thêm đôi dép cỏ. Khi nào túi về thì hẹn nhau buổi café nhé. Lâu rồi chẳng nói chuyện”. Kinh doanh mà tất cả mọi thứ đều tùy hứng, bất cần như vậy có gì đó sai sai. Và điều đó càng làm tôi tò mò không hiểu vì sao chị lại quyết định “xông pha” vào con đường kinh doanh một cách đầy bản năng như thế này.
Chúng tôi hẹn nhau tại một quán cafe nhỏ ở Lương Văn Can. Ngay từ khi chị bước đến, tôi đã nhận ra ngay sự khác biệt. Gần như tất cả phụ kiện trên người chị từ túi xách hay khuyên tai đều là sản phẩm làm từ cỏ bàng, không còn là những bộ đồ may xếp lớp hầm hố hay đồ bohemian độc lạ nữa. Chỉ có phong thái nổi bật vẫn không thay đổi.
“Em ơi, nó là cái duyên đấy em ạ. Chị cũng không biết lí do nào thuyết phục hơn nữa”. Khi được tôi hỏi về ý tưởng kinh doanh này, chị nhắc đi nhắc lại về chữ duyên rất nhiều. Cho đến bây giờ, đôi lúc HMai vẫn không tin rằng, chỉ nhờ những tấm ảnh “sống ảo” cùng túi cỏ bàng nhận được nhiều sự yêu thích bất ngờ mà lại dẫn mình đến chuyện “khởi nghiệp” này.
Lúc ấy, suy nghĩ của chị khi tập tành làm con buôn cũng thật đơn giản: Túi cỏ bàng thân thiện với môi trường, một người mua túi cỏ bàng là bớt đi một cái túi da, túi nhựa; Chưa kể xưởng sản xuất đều là những người lớn tuổi không có công ăn việc làm, mỗi chiếc túi bán được cũng như góp một phần công đức; Túi cũng đẹp không thua gì hàng nước ngoài,…
Có lẽ không nhiều người trong hoàn cảnh của chị (trung niên, công việc bận rộn, điều kiện đủ đầy,…) lại quyết định kinh doanh chỉ vì chữ “duyên” hay vì những lí do đã khá phổ biến như trên.
Tuy nhiên, người cá tính như HMai sẽ không để “tiệm cỏ” của mình cứ thế nhạt nhòa trong vô số sản phẩm cùng loại khác. Là một người có gu thẩm mỹ, chị tin rằng phụ kiện là một ngôn ngữ đặc biệt nói lên cá tính của người sử dụng. Một món đồ dù có đẹp đến mấy, đắt đến mấy, thời thượng đến mấy, nhưng nếu không hợp thì cũng vô giá trị.
Vậy nên chị muốn những sản phẩm cỏ bàng của mình phải mang được cá tính của từng khách hàng. Là một người có nhiều mối quan hệ với các họa sĩ, chị có dịch vụ nhận vẽ theo yêu cầu với từng sản phẩm. Dù biết điều ấy sẽ tăng thêm chi phí cũng như công sức, nhưng chị phóng khoáng phẩy tay mà nói “Chị kinh doanh vì đam mê chứ tiền nong vài trăm có bõ bèn gì đâu em”.
Tôi bật cười, lần này cũng không còn bất ngờ với cách trả lời đấy nữa. Hóa ra việc kinh doanh cần đầu óc và tính toán cũng vẫn phải chào thua sự “đồng bóng” đặc trưng của chị. Chị HMai uống một ngụm trà, nhìn ngó xung quanh quán rồi tâm sự: “Còn một lí do nữa chị kinh doanh túi cỏ bàng. Đó là bởi vì nó nhắc chị nhớ đến tuổi thơ toàn dùng đồ đan lát. Một số thứ, với người khác là xu thế, nhưng với chị, đó là hành trình tìm lại chính mình thôi em ạ. Được sống, được ngắm nhìn và tô điểm cho thứ mình yêu còn giá trị hơn đồng tiền nhiều”.
Và có lẽ, vì bắt đầu mọi thứ từ cái “tâm” và cái “duyên” nên những mẫu sản phẩm thủ công vẽ tay của chị nhận được sự yêu thích và ủng hộ từ nhiều người, đủ để chị cảm thấy vui khi có thể giúp mọi người trở thành những phiên bản giới hạn độc nhất.
Vốn mục đích làm bài phóng sự để giới thiệu về “Tiệm cỏ của Mai” nhưng có lẽ, HMai và những suy nghĩ rất khác của chị về kinh doanh mới là điều khiến tôi ấn tượng sâu sắc. Cỏ bàng lớn lên nơi đất phèn chua cằn cỗi, cần gai góc, mạnh mẽ nhưng không có nghĩa chẳng thể mềm mại, nhẹ nhàng. Và HMai cũng vậy. Bên cỏ bàng, chị trông mộc mạc hơn nhưng vẫn có thể khiến người ta thấy được nét hoang dại đầy khác biệt.
Tác giả: Linh Chi – vietchuyennghiep.vn